Nguyên Lạc   Biên khảo

Rót trà

PHẦN KẾT

1. Xem kiểu cách người Trung Hoa rót nước trà vào tách bằng cách dơ cao tay quá đầu rồi rót từ trên cao rót xuống như một dòng thác. Trông thì cũng ra chiều nghệ thuật điêu luyện, đạt được sự vui mắt cho khách thưởng trà. Nhưng thiển suy, dòng trà chảy như thế há chẳng phải trở nên cấp thiết lắm ư? Hương trà thơm bị hao tán vào trong không gian biết bao nhiêu? Trộm nghĩ, nếu như đang rót trà mà có một cơn gió mạnh vô tình ngang qua coi như cuỗm đi hết hương trà thơm theo gió còn gì? Đó là chưa nói nhiệt trà còn lại bao nhiêu để dẫn thần vào cho cơ thể được hưởng thụ? Triết lý về giữ gìn sức khỏe của người Việt là “ăn nóng, uống sôi”, cho nên trà chưa uống đã nguội là nhất thiết không thể chấp nhận. Hay người Nhật, những lại dùng que bông tre để đánh trà cho sủi bọt đục ngầu lên rồi mới uống, sự thanh trong không còn, cái thần của nước há còn ư? Cả hai điều ấy người Việt đều tối kị, bởi nó làm giảm đi cả thần lẫn thể là thứ mà người Việt coi là tinh hoa của phép chế trà. (Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa)

2. Văn hóa uống trà Trung Hoa, Nhật đòi hỏi thời gian, tiền bạc – vì cần trà và trà cụ quý, đắt; hình như chỉ dành cho những người rảnh rỗi, những người trung lưu trí thức, giàu có, trưởng giả hay quyền chức. Người dân lao động làm sao có khả năng?
Giới uống trà trung lưu trí thức này thì: Nâng chén trà lên phải hai tay ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc” (ba con rồng đỡ hòn ngọc). Người mời trà và khách khi nâng chén cùng nhau thưởng trà đều phải cung kính cúi đầu chào nhau. Trước khi đưa tới miệng, phải nâng chén trà sang tay trái rồi qua phải gọi là “du sơn lãm thủy” (đi chơi tiêu dao sông nước). Tiếp chuyển chén trà vào trong lòng bàn tay, nâng lên mũi để thưởng hương trà theo hơi nước bốc ra, rồi lấy tay che chén trà và miệng để nhấp một ngụm nhỏ. Từ từ cho ngụm trà đi xuống cổ họng, trầm tư thụ hưởng vị trà trong cổ và hơi trà dâng lên mũi.
Anh nông phu Việt Nam tuy không nhiều chữ nghĩa để diễn tả ra như Lô Đồng, nhưng cái thú tận hưởng đó không thiếu: Trời nắng chan chan, vác cuốc từ đồng về, ghé tạt vào quán chè xanh ven đường, gọi một bát, ngồi rút một chân lên ghế, phất phơ chiếc nón lá xua đuổi cái nóng oi bức mùa hè. Bê bát chè đã nguội lên môi, đánh ực một loáng, mồ hôi thấm ra, cơ thể đột nhiên mát mẻ với làn gió thoảng hiu hiu. Anh nông phu mĩm cười khoái trá: “Sướng”. Cái sướng của anh nông phu này chẳng cần đến 7 chén trà, và nó tự nhiên như vốn có của “Đạo”, chẳng phải suy tưởng cõi tiên. Quả vậy, người bình dân uống trà có thể một tay nâng chén lên, nhấp một miếng rồi uống một hơi, xong khà một tiếng sãng khoái. Bao lo toan trong cuộc đời phút chốc tan biến, dù bên mình chỉ có chiếc áo xác xơ với tô cơm đạm bạc.

Những người trí thức, có điều kiện, muốn tìm cái đẹp cuộc đời, triết lý, cái Đạo; tìm “thiên đường” trong thú uống trà, ở những nơi thi vị. Người dân dã thiếu hụt, sau những buổi lao động cực nhọc, ghé qua một quán tranh đầu làng, uống một bát chè vối rẻ tiền, cũng tìm thấy “thiên đường” vậy, phải không? Ai sướng hơn ai?
Nên nhớ người xưa thường nói: “Càng ít nhu cầu thì cuộc đời riêng càng nhiều an lạc”. Hình như Phật giáo cũng khuyên giống vậy: “Biết buông bỏ thì đạt đến Thiền”

3. Xin được ghi ra đây trích đoạn vui của nhà văn Lý Lạc Long về Trà và Trà Ðạo:

   Thời đại chúng ta đang sống, kỹ thuật hiện đại cho phép mọi người tiếp xúc với môi trường bên ngoài, với các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện cho việc học hỏi các điều mới lạ và bổ ích để mở mang kiến thức, để áp dụng cho lợi ích của bản thân và đất nước. Nhưng chúng ta phải biết gạn lọc và đừng quên gốc rễ của mình. Ngưỡng mộ, thích và trân trọng Trà đạo của Nhật Bản hay Trung Hoa thì cũng tốt, nhưng so sánh và chê bai nghệ thuật và phong cách uống trà hay trà Việt Nam là một điều không đúng và nhất là khi dựa vào chỉ mấy “trà quán” phục vụ nhu cầu nhất thời của thị trường. Cái áo Kimono của Nhật, áo sường – sám của Trung Hoa, cái áo dài của Việt Nam…. mỗi cái có những nét đẹp riêng. Ở đời không có gì là tuyệt đối hoàn hảo. Và người ta thường nói ” có nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, và không có một quốc gia nào hoàn hảo hơn một quốc gia nào. Tách trà thơm ở Việt Nam đã từ lâu là quà đón khách, là tâm tình của chủ nhà với khách viếng thăm.
   Không thể nói là vì người VN không pha chế trà cầu kỳ như người Nhật hay người Trung hoa và vì vậy mà thịnh tình của chủ với khách suy giảm. Phần tôi thì với nghệ thuật uống trà theo Trà đạo của Nhật bản hay Trung hoa thì cũng rất ngưỡng mộ, và áo Kimono hay sường-sám, cũng rất đẹp mắt… Nói cách khác là tôi chỉ “cỡi ngựa xem hoa”. Nhưng tách trà Việt nam tôi sẽ pha đãi khách và chiếc áo dài VN vẫn là đẹp nhất, gần gũi thân thương nhất. Lý do rất đơn giản: Vì tôi là người Việt Nam.
Riêng về phong cách uống trà hay thiền đạo thì vô môn quan (Việt Nam) hay hữu môn quan (Nhật Bản)… “tốt” hơn? Tôi xin phép gởi đến các bạn câu truyện “Trà Đạo” dưới đây:
   Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản, khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà … v.v. Nghe xong khách nói:
   – À, thì ra Trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
Rồi khách xuất khẩu ngâm:

Xưa nay trà là đạo.
Khát cứ việc uống thôi.
Nghĩ thêm trà với đạo.
Ðầu thượng trước đầu rồi!

Mời các bạn tách trà thơm (pha kiểu Việt Nam) và chúc tất cả … như ý. (Tản mạn về Trà & Trà Ðạo- Lý Lạc Long)

4. Trong quyển sách Sống Đẹp (The Importance of Living- Nguyễn Hiến Lê phỏng dịch), Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) có dẫn ra “Ba mươi ba lúc vui của Kim Thánh Thán”. Đây là lúc vui 1:

Mùa hè, tháng bảy, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lửa,không một con chim nào dám bay lại. Mồ hô đổ khắp mình,chảy như suối. Cơm dọn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ, ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao, thì bỗng mây đen cuốn tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất khô như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Chẳng cũng khoái ư?”

Tôi xin phép được viết lại câu nói trên của Kim Thánh Thán như sau:

— Mùa hè, tháng sáu, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, nắng hực lên như lửa, không một con chim nào dám bay. Mồ hôi đổ khắp mình, chảy như suối vì lao động nặng nhọc trên ruộng đồng. Vợ mang ra một ấm trà vối, cùng với một bát to; bảo đến ngồi nghỉ dưới tàn cây, thân dựa vào gốc cây, chân duỗi dài, ực một bát trà đầy vợ rót trao, khà một tiếng rõ to. Chẳng cũng khoái ư?

Và bổ xung thêm câu nói thứ ba mươi bốn, xem như lời kết bài:

Đang bị vợ cằn nhằn bất tài, không làm được nhiều tiền mua cho vợ con hột xoàn, túi xách hiệu Gucci, Louis Vuitton … xe Lexus, Mercedes…; bất thình lình người bạn hàng xóm lên tiếng mời: Anh Ba ơi, qua nhà thưởng thức chén trà thơm và phiếm luận kiếp đàn ông cho vui. Chẳng cũng khoái ư?

5. Nhân sưu khảo về trà, tôi nhớ đến tiền nhân: Nhà yêu nước Sào Nam Phan Bội Châu (1867, Nghệ An – 1940, Huế, Vietnam)

Cụ Phan Bội Châu và các nhà ái quốc suy tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ và khởi xướng phong trào Đông Du (1905), vận động người trong nước xuất dương qua Trung Hoa, Nhật Bản du học để thâu nhận kiến thức mới của nước ngoài về giúp nước nhà. Do có người phản và chỉ điểm nên cụ bị người Pháp bắt cóc ở Thượng Hải, rồi cụ Phan bị đưa về an trí tại Bến Ngự (Huế). Trong 15 năm bị giam lỏng cuối đời này – lúc bấy giờ được gọi là Ông Già Bến Ngự – cụ vẫn giữ trọn phẩm cách cao thượng, sáng tác văn thơ để kêu gọi tinh thần yêu nước.

Xin xin ra đây bài thơ cụ mượn trà để nói lên nỗi niềm yêu nước của mình:

Gọi Trà

Vì cớ sao mà khát nước hoài?
Trà đâu ta sẽ nếm mày chơi.
Chẳng Tàu thì Huế tha hồ thú,
Pha tục và tiên đặc bỏ đời.
Nóng nguội tình người năm bảy chén,
Lạt nồng mùi thế một vài hơi.
Trà ơi! Còn nước là vinh hạnh,
Cháy lưỡi khô môi, thảm những ai
(Sào Nam Phan Bội Châu)

Có thể thời gian này cụ Phan bị bệnh, hoặc bệnh tim hay bệnh tiểu đường. Do vậy nên cứ khát nước hoài. Nhưng càng đọc càng thấm ý của cụ. Trà ơi, còn nước là vinh hạnh. Cụ thương nước thương nòi, nhưng bấy giờ phải lâm tình cảnh bị giam lỏng, bó tay bó chân nên cụ cứ phải “khát nước hoài”. “Nước” hiểu theo đầy đủ tất cả nghĩa. Một lối chơi chữ quá tài hoa: vừa là đất nước vừa là dòng nước mà cũng là dòng đời lênh đênh của cụ. Cái nào cũng quý và cái nào cũng đang lâm nạn. Mình chỉ nhận ra khi không còn có nữa. (Văn Công Tuấn: Cụ Phan gọi trà)

6. Say Trà

Xin được ghi ra đây trích đoạn bài viết của TS Trần Kiêm Đoàn về Trà: “Say Trà Theo Cây Chè Shan Tuyết Rừng Việt Nam”

[ Sau năm 1975, lần đầu tiên ra Bắc, nghe nơi nầy gọi là chè, nơi kia gọi là trà để gọi tên cùng một thức uống thông dụng nhất làm ra từ sản phẩm cây trà. Quê hương miền Trung nơi tôi ra đời và lớn lên như ở Huế thì “trà” là sản phẩm lá trà khô chế biến từ cây trà và “chè” là nước uống giải khát nấu ra từ lá tươi của cây chè. Nước chè có đập dập miếng gừng là thức uống giải khát “chính quy” cho hầu hết tầng lớp nông dân, lao động và mọi người ở các làng quê Việt Nam.
Khi tôi lớn lên ở làng Liễu Cốc Hạ thì đã thấy vườn chè cao gấp hai đầu người mà cha mẹ tôi đã trồng nghe đâu từ mấy chục năm trước ở vườn sau nhà. Tuổi thơ thích hảo ngọt nên tôi cũng chẳng có chi thú vị với chuyện nước chè hay trà. Chỉ có một lần nhớ đời là khi anh em tôi kiếm đâu ra một bánh đường đen rồi giã vụn ra, khuấy vào nồi nước chè đậm mới nấu. Nước chè ngọt lịm không thua chi chè đậu xanh, đậu váng nên tôi múc nước chè uống thoải mái từ chén nầy đến chén khác cho đến khi đầu óc quay cuồng, tay chân bủn rủn, muốn nôn tháo ra cũng chẳng được làm mẹ tôi và cả nhà thất kinh hồn vía cho là “trúng gió” và gọi xóm làng tới cứu. Sau này, tôi mới biết đó là cơn “say nước chè”. Cơn say như một khối nặng nề ập xuống, đầu óc quay mòng mòng và thân mình như trôi nổi rồi bị nhận chìm trên sông…!
Hèn chi mà mấy o mấy chú nông dân làng tôi hát chọc nhau:

Rượu không say nước chè say mới ngại,
Bậu say trà… có cháu ngoại mệ bồng!

Đó là chuyện 70 năm trước, khi tôi mới 7, 8 tuổi. Và đây là chuyện 70 năm sau, khi tôi là một lão già… G-5, Phiếm danh “Lão G-5”: Tôi lại bị say trà lần thứ hai trong đời.
Số là tôi có cái thú uống trà buổi sáng. Uống hơn 50 năm sinh ra “tương tư” chứ chưa đến độ “nghiện”!
Hai mươi năm trước, tôi đã viết về cảm giác say trà của nhân vật Trí Hải trong tác phẩm Tu Bụi: “ Trí Hải đắm mình trong một cơn say trà ngây ngây thần trí. Nghệ thuật là con diều tri thức và tâm thức. Nó nâng cái tầm thường thành bình thường; bình thường thành lạ thường và lạ thường thành phi thường…” Phạm Xảo, một nhân vật khác trong truyện bình luận tiếp: “Uống trà là một cảm hứng nghệ thuật. Say trà là một cảm giác đạt đạo. Có mấy ai trong đời đạt đạo được một lần…” Vậy mà hôm nay tôi “đạt đạo” được lần thứ hai!

Xin được thuật lại cái duyên nợ say trà.
Một buổi sáng đẹp trời, tôi được bạn đồng môn Quốc Học Cung Trọng Bảo ở Cali báo tin là bạn Nguyễn Quốc Vọng ở Úc, có nhờ gởi tặng tôi một gói trà và một tác phẩm viết về trà Shan nên cần địa chỉ. Mấy hôm sau, tôi nhận được quà. Tôi có tật xấu là được nhận quà thường không nóng vội gởi lời cám ơn liền mà phải thưởng thức nội dung quà tặng trước đã. Quà tặng cả tháng rồi mà nay tôi mới đọc xong “Cây Chè Shan Rừng Việt Nam” của Nguyễn Quốc Vọng. Sách viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Tuy đây là một tác phẩm biên khảo đậm nét nghiên cứu khoa học nhưng lại có giá trị nổi bật về các lãnh vực chuyên biệt: Nội dung “trà sử” đầy thú vị, văn phong kết hợp hài hòa cả ba mặt ký sự, hồi ức và dữ kiện nghiên cứu học thuật. Là một Giáo sư – Tiến sĩ có thẩm quyền nhận định và dự phóng về tình hình sinh hoạt cũng như phát triển trong lĩnh vực Nông Lâm Thảo Mộc học, chàng kẻ sĩ học giả gốc Huế mình say sưa nghiên cứu giống trà Shan lưu niên cổ thụ trên vùng rừng núi Việt Nam
Theo nghiên cứu của tác giả, trà Shan là đặc sản của Việt Nam, không theo các tiêu chuẩn và đặc tính chung như trà đen hoặc trà xanh đang sản xuất và bán ra nước ngoài. Trà Shan chỉ do người dân tộc thiểu số chăm sóc, các vùng có trà Shan cổ thụ đang tồn tại và phát triển nhiều nơi như ở Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Trà shan cổ thụ là loại trà mọc tự nhiên trong rừng. Hiện 100% trà Shan cổ thụ do người dân tộc thiểu số Dao, H’Mông, Tày, Thái chăm sóc. Về đặc tính vị trí, trà Shan phải ở độ cao trên 1.000 m trong các khu rừng thuộc Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái… Đặc tính hình thái phải là cây cổ thụ, đường kính gốc ít là trên 20 cm. Đây là độ lớn lấy tiêu chuẩn của những cây trà trồng ở Cầu Đất từ thời Pháp thuộc khoảng 1927, giờ có đường kính hơn 20 cm. Trà cổ thụ phải là những cây trên 100 năm, cao 3 m trở lên, có hai giống lá xanh và lá đỏ. Có thể nói đây là một nguồn lợi thiên nhiên có giá trị kinh tế cao trên thị trường quốc tế đang bị quên lãng cần phải được quan tâm vực dậy.

Cây trà Shan Tuyết

Cây Chè Shan Tuyết 

Ôi! Uống trà hơn 50 năm mà hôm nay là lần đầu tiên mới được uống chén trà Shan của rừng núi quê hương. Tôi và Vọng cùng tuổi (Bính Tuất 1946), cùng xuất thân từ trường Quốc Học Huế nhưng lại lang thang đứa Úc, đứa Mỹ. Có chăng trong cái “bình minh nhất tản trà”, Vọng đã có lần nào say trà như tôi hôm nay không hè?
Sáng nay tôi dậy sớm. Việc đầu tiên như thường lệ là thắp nhang ngồi định tâm khoảng 40 phút đủ cho một cây nhang thường thắp vừa cháy hết. tiếp đến là rà soát lại bình nước nóng Tiger đã đặt đúng 194 độ F tức là 90 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng cho lá trà khô nhả hết hương vị vào nước mà không bị chín hay chưa đủ độ nóng để “mãn khai” hương và vị. Tôi để sẵn bốn bình trà và bốn cái ly thủy tinh trong đã luộc nước sôi để pha riêng bốn thứ trà: Trà Shan (rừng Việt Nam), Trà Bắc Thái (Bắc Việt Nam), Trà Long Tỉnh (Hàn Châu Trung Quốc) và trà Ô Long (Đài Loan). Tôi đong trà “2 muỗng lường” bằng nhau cho mỗi loại (khoảng 1/5 bình trà cỡ trung). Sau nước đầu “tẩy trần” bỏ đi thì vào “nước chính”. Thời gian đủ ngấm để ra trà tùy từng loại. Tôi để 2 phút cho trà Shan, Bắc Thái; 3 phút cho Ô Long và Long Tỉnh. Khi trà đã rót ra 3 lượt đầy hai phần ly nhỏ, tôi bắt đầu uống thử trà. Tôi bắt đầu với trà Shan. Trà Shan có màu hổ phách (giữa vàng và cam) với hương thơm dịu nhẹ hơn trà Bắc Thái. Tôi tiếp tục uống ly đầu với cả ba thứ trà kia. Độ chát từ đậm đến nhạt có thể kể theo thứ tự là: Shan, Bắc Thái, ô Long và Long Tỉnh. Lượt thứ hai với Long Tĩnh, thứ ba với Bắc Thái và Ô Long mở đầu mới lần lượt đến ba thứ kia. Tôi uống đến tuần trà thứ ba cho đợt trà đầu và định bụng sẽ thay trà mới thêm hai lần nữa. Sau đợt đầu, tôi phải công tâm nói thẳng cảm tưởng của cá nhân mình rằng: trà Shan có khả năng trở thành một loại danh trà. Tôi nói đến “khả năng” vì còn hai điều mà theo chủ quan của tôi cần được khắc phục trong quá trình hái trà và chế biến. Đó là vị trà hơi chát. Hương trà còn nồng đượm mùi hoang dã và màu trà hơi vàng đậm so với màu xanh Bắc Thái và màu vàng trong của Ô Long và Long Tỉnh.
Say sưa với cả 4 loại trà, tôi chỉ uống quanh và ngẫm nghĩ mà quên ăn một chút gì vào bụng nên trà bắt đầu hành.
Tôi cảm thấy chóng mặt, đầu xoay quanh, toát mồ hôi và chân tay bủn rủn như bị “trúng gió” thời 70 năm về trước. Nhưng Mẹ tôi đã khuất núi, Lê (nhà tôi) thì đang tụng kinh ở tầng nhà trên, tôi phải vùng lên chiến đấu với cơn say trà bắt đầu vật vã. Bụm tay ôm mặt một hồi lâu, như một phản ứng sinh tồn mơ hồ có điều kiện, tôi nhận ra các thứ ăn uống mở ra trước mắt, tôi với ăn ngay một nắm hột “nuts” đủ loại và uống một hơi hết lon Seltzer Lime; may quá là may, tất cả đang để sẵn trên bàn. Nhắm mắt và ngồi yên một hồi lâu, người đỡ run và đầu đỡ xoay. Sau chừng nửa giờ, gió có vẻ bắt đầu “hết trúng”! Cơn say trà qua dần và tôi có thể uống một ly nước lạnh đề mỉm cười với ngày mới…] – Trần Kiêm Đoàn

LỜI KẾT:

Xin được dùng bài thơ sau đây của tôi, “Trà độc ẩm” để kết thúc tiểu luận về Trà:

Trà Độc Ẩm

Sáng nay se lạnh thu phong
Lắng nghe thu khẽ nỗi lòng thu xưa
Cạnh bên có một tách trà
Mình tôi thưởng thức bạn bè chưa ai
Ngồi đây tôi ngắm mây bay
Tách trà hương thoảng thấy đời an nhiên
(Nguyên Lạc)

Hy vọng các bạn tìm được trong tiểu luận này một vài điều bổ ích, nếu không : “Mua vui cũng được một vài trống canh“.

(Hết)
.
Nguyên Lạc
………………..

Tư liệu tham khảo

1. Đức Chính, Trà Luận, khanhhoathuynga
2. Minh Đức Hoài Trinh, Niệm Thư 1: Nghệ thuật yêu trà
3. Vũ Thế Ngọc, Trà Kinh
4. Bảo Sơn, Trà Đạo (bản dịch cuốn The book of Tea của Okakura Kakuzo)
5. Lin Yutang, Lâm Ngữ Đường – The Importance of Living, (Sống Đẹp, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)
6. Nguyễn Tuân, Vang Bóng Một Thời
7. Đỗ Đình Đồng, Góp nhặt cát đá
8. Đại Việt sử ký toàn thư
9. Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim
10. Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa
11. Nguyễn Duy Chính, Phí Ngọc Hùng, Huỳnh Ái Tông, Lý Lạc Long vài bài viết về Trà
Và tài liệu trên Internet, Facebook…

.

@ Mời tham khảo thêm:
Trà Sen Xứ Huế
(Nguồn : https://vnexpress.net/tra-sen-xu-hue-4093201.html)


.

Đăng bởi nguyenlacthovan

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi (Nguyễn Du)