Nguyên Lạc  Tạp ghi

sach12

VÀI GHI CHÉP VÀ Ý NGHĨ SƠ SÀI
VỀ VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT

Phần 1

VÀI GHI CHÉP VỀ VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT

VỀ NHỮNG TRÍCH ĐOẠN

Cái hay, cái đẹp khi dược công bố thì thường nó sẽ trở thành tài sản chung của nhân loại, và hình như không còn thuộc riêng của đất nước, của xứ sở, của tác giả nữa. Con người khác với con vật ở tính “kế thừa” và nhờ điều này, con người mới làm chủ vạn vật.

Đã là người, chúng ta phải giữ tính kế thừa; nếu không, thật là uống phí thời gian vô ích, có khi cả đời để phát mình hay phát kiến lại cái điều mà tiền nhân đã làm.
Những “viên kim cương” này nếu ta biết trân trọng, biết sử dụng, biết giữ gìn thì nó có thể trở thành tài sản riêng ta. Tài sản ở đời thường luân chuyển từ người này sang người khác, với điều kiện là minh bạch về xuất xứ. Nếu những điều ta đang tìm kiếm, mà người xưa đã tìm được rồi, thế thì sao ta không mượn, không sử dụng nó, hay nói rõ là sao không “kế thừa” để đỡ tốn thời gian.
Những trích đoạn sau đây chính là những “viên kim cương” nói trên, những ý nghĩ mà tôi kiếm tìm. Vậy, hãy xem những “viên kim cương” này, những ý nghĩ đẹp nầy tiền nhân đã nói giùm tôi, tạm xem là của tôi, chắc cũng không gì quá?

VỀ NGHỆ THUẬT

Xin được ghi ra đây vài ghi nhận thông qua 2 trích đoạn lý thú sau:

1. En profil

Thành Cát Tư Hãn sau khi chinh phạt thế giới, đã trở thành bá chủ một đế quốc mênh mông trải dài từ bờ biển Đông tới lưu vực sông Danube. Tuy nhiên, trong một lần chinh chiến, ông ta đã bị mất một mắt. Có lần vị hoàng đế nhà Nguyên này ban lệnh tìm hoạ sĩ giỏi để vẽ chân dung cho mình. Hoạ sĩ thứ nhất được tiến cử tới yết kiến Thành Cát Tư Hãn, và đã vẽ hoàng đế nhà Nguyên với đầy đủ cả hai mắt tinh. Sau khi bức tranh được hoàn thành và được đem trình hoàng đế xem, Thành Cát Tư Hãn khinh bỉ nói: “Sao lại có cái thứ lãng mạn chủ nghĩa đồi bại thế này?”, rồi ra lệnh chém đầu hoạ sĩ. Hoạ sĩ thứ hai được vời tới. Rút kinh nghiệm thảm khốc từ hoạ sĩ trước, hoạ sĩ này đã vẽ Thành Cát Tư Hãn giống y như thực, tức là với một mắt tinh và một mắt chột. Thành Cát Tư Hãn liếc nhình bức tranh rồi phán: “Tự nhiên chủ nghĩa tục tằn!” Hoạ sĩ thứ hai cũng bị bay đầu. Hoạ sĩ thứ ba đã vẽ chân dung Thành Cát Tư Hãn en profil (chân dung nhìn nghiêng), chỉ thấy con mắt tinh, còn con mắt chột được che khuất trong nửa không nhìn thấy của khuôn mặt. Hoàng đế nhà Nguyên xem tranh và khen: “Đây mới thực sự là hiện thực xã hội chủ nghĩa!”, rồi truyền ban thưởng cho hoạ sĩ. [Nguyễn Đình Đăng – Trí thức] [1]

2. Sự thật, tự do và phóng khoáng

Khi tôi – Sinuhe – và Horemheb bước vào cung điện thì Hoàng đế Amenophis đang ngồi làm mẫu cho các nhà điêu khắc tạc hình ngài. Theo truyền thống, các Pharaoh đều cho tạc một pho tượng mẫu làm tiêu chuẩn cho việc khắc ghi hình ảnh của mình trong các đền đài, lăng tẩm, cột trụ, bia đá để lại cho đời sau. Việc chọn bức tượng mẫu là điều vô cùng quan trọng nên các Pharaoh đều xét rất kỹ pho tượng này cho đến khi thật vừa ý mới thôi.
Vừa thấy chúng tôi, Hoàng đế Amenophis đã hỏi:
– Này Horemheb, ngươi thấy những bức tượng này như thế nào?
Horemheb nhìn ngắm qua loa một vài pho tượng rồi khéo léo nói:
– Pho tượng nào cũng đẹp cả, hạ thần là kẻ chỉ biết dùng kiếm chứ không biết gì nhiều về nghệ thuật, xin Pharaoh hãy hỏi những người có khiếu thẩm mỹ hơn.
Hoàng đế quay qua tôi:
– Phần ngươi thấy sao?
Tôi chăm chú quan sát những pho tượng nhưng thất vọng vì không hiểu sao chúng không giống Hoàng đế chút nào. Pharaoh Amenophis có khuôn mặt dài như mặt ngựa, đôi lông mày rất rậm và hai con mắt lớn, gần như lồi ra. Theo tiêu chuẩn lúc đó thì ngài không phải là người “đẹp trai” cho lắm nhưng đa số pho tượng nào cũng tạc ngài có khuôn mặt vuông vức, cặp mắt oai nghiêm với những đường nét hùng tráng. Tuy Hoàng đế cao lớn nhưng vì ít hoạt động nên bụng ngài cũng to hơn người thường. Thế mà các nhà điêu khắc lại tạc ngài có một thân thể cân đối, khỏe mạnh, ngực nở, bụng thon. Tôi định lên tiếng phê bình thì bỗng Horemheb đằng hắng một tiếng lớn khiến tôi giật mình ấp úng, nửa muốn nói, nửa lại ngại ngùng.
Hoàng đế mỉm cười:
– Ta đang trách các nhà điêu khắc vụng về vì các pho tượng này không giống ta chút nào. Ta muốn họ tạc lại cho đúng với sự thật… Này Sinuhe, ngươi đừng ngại ngùng gì, cứ thẳng thắn nói đi.
– Hạ thần đồng ý với nhận xét của Pharaoh.
Nghe thế, Horemheb liền phát tay ra hiệu cho các nhà điêu khắc:
– Các ông đã nghe rõ lệnh của Pharaoh chưa?
Các nhà điêu khắc nhìn nhau ngơ ngác. Theo truyền thống Ai Cập, Pharaoh vừa là người, vừa là thần, làm trung gian giữa các sức mạnh huyền bí và các kiến thức siêu việt. Một người như thế phải có hình dáng oai nghiêm, hùng tráng khác thường chứ tạc hình một kẻ mặt dài, mắt lồi, bụng phệ thì có khác gì chế giễu Hoàng đế? Tội phạm thượng như thế có thể bị quăng vào hầm sư tử đói ngay. Không những thế, đây là bức tượng mẫu làm chuẩn cho mọi công trình kiến trúc, nghệ thuật và tài liệu lịch sử sau này. Không lẽ trong các lăng tẩm, bia đá, thạch trụ lại tạc hình một người “xấu trai” như thế sao?
Hình như đoán được ý các nhà điêu khắc, Hoàng đế Amenophis mỉm cười khuyên:
– Các ông hãy làm việc cho đúng với sự thật, đừng thay đổi hay thêm thắt gì. Nghệ thuật chân chính là việc nói lên sự thật vì chỉ có sự thật mới tồn tại muôn đời. Các ông đừng vẽ vời những đường nét không đúng với sự thật.
Các nhà điêu khắc vội vã bắt tay vào việc. Hoàng đế Amenophis thong thả ngồi xuống ghế làm mẫu. Một gã nô lệ đưa vào một đoàn hát giúp vui. Horemheb ra dấu cho tôi ngồi xuống nghe nhưng tôi không phải là người biết thưởng thức âm nhạc nên chỉ ngồi nghe lấy lệ. Truyền thống âm nhạc Ai Cập gắn liền với tôn giáo, đa số các nhạc sĩ đều được giáo dục cẩn thận trong các đền thờ vì âm nhạc chính là những nghi thức tôn giáo. Cũng vì thế, đối tượng của âm nhạc luôn luôn bị giới hạn và tập trung vào việc ca tụng thần linh hoặc công lao của Pharaoh mà thôi.
Nghe một lúc, Hoàng đế Amenophis nhăn mặt:
– Ta chán những loại âm nhạc như thế này rồi. Horemheb hãy ra ngoài thành tìm cho ta một đoàn hát rong vào đây.
Đoàn hát rong là những nghệ sĩ lang thang sống rày đây mai đó và không chịu sự quản thúc của các giáo sĩ trong đền thờ. Không những người hát rong có một loại nhạc khác thường mà còn sử dụng các nhạc khí khác hẳn với các nhạc khí truyền thống. Vì không chịu tuân theo các khuôn mẫu tôn giáo nên đối tượng âm nhạc của họ rất tự do, phóng khoáng và vì thế các nhóm hát rong đều bị giới giáo sĩ lên án gắt gao. Có nhiều lúc họ bị ngược đãi, tù đày và loại nhạc của họ bị cấm đoán nhưng họ vẫn lén lút hoạt động vì nhạc của họ thích hợp với lòng dân hơn các loại nhạc truyền thống tôn giáo.
Một lúc sau, Horemheb dẫn vào một đoàn hát rong phục sức rất lạ lùng. Họ ngơ ngác nhìn Pharaoh với một vẻ e dè, sợ sệt vì không biết vị hoàng đế này muốn gì.
Đoàn hát gồm một ông già sử dụng nhạc khí, hai thanh niên chuyên nhào lộn biểu diễn và ba cô gái vừa múa, vừa hát, vừa kể chuyện cổ tích dân gian. Được lệnh, họ bắt đầu trổ tài nhưng có lẽ còn e ngại nên họ tự giới hạn việc trình diễn trong các bản nhạc truyền thống mà thôi.
Nghe một lúc, Hoàng đế lên tiếng:
– Phải chăng các ngươi từ miền Đông đến?
– Thưa vâng, chúng tôi đến từ vùng Beda.
Hoàng đế gật đầu ra lệnh:
– Nếu vậy ta muốn nghe những bài hát đặc biệt của dân Palestine.
Đối với người Ai Cập, Palestine chỉ là miền sa mạc hoang vu, dân cư thưa thớt sống quanh những ốc đảo và bị coi khinh là man di mọi rợ. Việc Pharaoh thưởng thức nhạc của kẻ thiếu văn minh này là một điều hết sức bất ngờ cho những nhạc công trong triều. Tôi nhìn rõ những nét mặt khó chịu, đầy bất mãn của họ nhưng dĩ nhiên không ai dám có phản ứng gì. Tôi ngồi nghe một lúc rồi nhân cơ hội không ai để ý, chuồn về nhà trọ nghỉ ngơi.
Việc một Pharaoh lại thích nghe những loại nhạc dân gian này được loan truyền khắp thủ đô. Người ta bàn tán xôn xao, người chê, kẻ khen nhưng vài hôm sau khi có tin một đoàn hát rong khác cũng được mời vào cung trình diễn thì dư luận đã thay đổi nhanh chóng. Khắp Memphis, các đoàn hát rong ở đâu xuất hiện như cỏ dại sau cơn mưa rào. Các bài hát với thể nhạc và âm điệu mới được dịp phổ biến và lan rộng khắp nơi.
(Dấu Chân Trên Cát: Chương 5 – Mika Waltari- Nguyên Phong phóng tác)

Bạn nghĩ sao về nền Văn Học Nghệ Thuật trong đất nước có người lãnh đạo như thế này?

dauchantrencat

.

VỀ VĂN CHƯƠNG

I. Thơ Siêu thực

1. Vài câu, đoạn thơ Siêu Thực nước ngoài:

– Bông hoa này của núi rừng đã vàng đi như những giọt lệ của chúng ta (Shéhadé)
– Những thung lũng là những chiếc nịt vú của gió
Hoa hồng, đó chính là những chiếc răng sữa của mặt trời.(Malcolm de Chazal)
– Hình hoa hồng / say sưa ở trên đỉnh vú…
Một mạch nước phun / những bàn tay điên rồ. (Eluard)
– Trong khu rừng bị thiêu cháy
Những con sư tử mát tươi. (Vitrac)

2. Tại Việt Nam:

Tại Việt Nam khuynh hướng phá vỡ hàng rào cổ điển và lãng mạn để nhập vào dòng hiện đại bắt nguồn rất sớm, gần như song song với sự phát triển thơ mới, từ những năm 40.
Xuân Thu Nhã Tập là những người đầu tiên đã dẫn dòng mạch siêu thực của thế kỷ XX vào thơ Việt. Bỏ rơi vai trò của lý trí, đưa tiềm thức và vô thức vào địa vị chủ chốt trong kỹ thuật tạo hình. Bài Buồn Xưa của Nguyễn Xuân Sanh tiêu biểu dòng tư tưởng Xuân Thu Nhã Tập.

Buồn Xưa
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi

(Buồn Xưa, Nguyễn Xuân Sanh)

Xuất hiện cùng thời với thơ mới, nhưng bài Buồn Xưa đã tách rời thơ mới một bước khá xa, cả về hình thức lẫn nội dung. Về phần hình thức, tuy vẫn giữ số chữ nhất định trong câu (7 chữ, 4 câu), nhưng thơ Nguyễn Xuân Sanh mang nhạc điệu lạ, khác hẳn với cung bậc trầm bổng cố định dựa theo luật bằng trắc cổ điển. Nhịp điệu này dựa vào sự sắp xếp những hình ảnh tân kỳ, liên tiếp cạnh nhau, theo ý thích của trí tưởng tượng. (Sau này Thanh Tâm Tuyền gọi đó là “nhịp điệu của hình ảnh”). Câu thơ Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi có thể tổng hợp ba hình (figure) quỳnh hoa – chiều đọng – nhạc trầm mi, mà cũng có thể chia làm sáu hình: quỳnh – hoa – chiều – đọng – nhạc – trầm – mi. Nguyễn Xuân Sanh vừa phân tích vừa tổng hợp ảnh, đồng thời độc lập hóa mỗi chữ trong câu thơ.
Vì thế, đọc thơ Nguyễn Xuân Sanh, Lê Huy Vân thoạt tiên có cảm tưởng: “Không có một cái chấm câu và toàn vần bằng cả. Người ta có cái cảm giác rằng tác giả đã viết rất nhiều từng “chữ một” vào những mảnh giấy, gập lại để vào trong một cái mũ trắng rồi rút ra từng mảnh , để những chữ tìm thấy chữ nọ bên cạnh chữ kia, đủ bảy chữ lại xuống dòng
“Cảm giác” ấy có thể Lê Huy Vân rút ra từ việc Breton cắt những chữ bất kỳ trong báo, xếp lại thành thơ. Dĩ nhiên “cắt dán” hay rút thăm từng “chữ một” chỉ là một cách nói, gợi ba khía cạnh độc đáo của thơ hiện đại:
– Tính cách gián đoạn trong dòng mạch hiện đại – đối lập với tính cách liên tục trong dòng cổ điển.
– Tính cách bất kỳ -hay tự do tuyệt đối- trong việc ghép chữ tạo hình.
– Tính cách độc lập hình vị mà Nguyễn Xuân Sanh sử dụng trong bài Buồn Xưa.
Khi người đọc, trong nhiều thế kỷ, đã quen với những công thức thân thuộc như: chiều xuân, nhạc vàng, hồn thơ, rượu nồng, nguyệt hoa, hoa nguyệt …, thì sự xuất hiện của những rượu hát, nhạc trầm mi … hẳn là trái khoáy, nghịch nhĩ, bí hiểm, và không lô gích.
Nhưng chính cái “không lô gích” ấy là một trong những yếu tố nền tảng của thơ hiện đại. Chính cái “không thể” ấy mở ra một chân trời khác: Biến đổi những thực thể bị kết tội chung thân bất động như: rượu, chiều, mùa …có thể xoay vần, chuyển động: rượu hát, mùa đi, chiều đọng … và làm cho ta biết được những ý niệm siêu hình như “hồn” cũng có lúc xanh, lúc ngát … Ðó là bộ mặt “nổi loạn” thần sầu của tiềm thức và vô thức mà chỉ khi nào con người đập vỡ phần ý thức bề mặt mới có thể tiếp cận được.
Xuân Thu Nhã Tập không được số đông công chúng văn nghệ hưởng ứng vì quá mới với thời đại, bị cách mạng liệt vào loại bí hiểm, điên loạn, cần phải loại trừ. Phải chăng đó là lý do khiến sau này Nguyễn Xuân sanh trở về với thơ mới? (Cấu Trúc Thơ -Thụy Khuê)

@. Ý kiến riêng:

Breton cắt những chữ bất kỳ trong báo, xếp lại thành thơ – Dĩ nhiên “cắt dán” hay rút thăm “chữ một” chỉ là một cách nói – gợi ba khía cạnh của thơ hiện đại:
– Tính cách gián đoạn trong dòng mạch hiện đại.
– Tính cách bất kỳ -hay tự do tuyệt đối- trong việc ghép chữ tạo hình.
– Tính cách độc lập hình vị
Theo tôi:
— Những điều này có thể đúng với tiếng “đa âm” phương Tây, chưa chắc hợp với “đơn âm” tiếng Việt.
— Chính cái “không lô gích” này (một trong những yếu tố nền tảng của thơ hiện đại) các nhà thơ siêu thực nước Việt hiện nay chỉ cố gắng chứng tỏ sự “nổi loạn” về hình thức chứ chưa mở ra được một “chân trời mới” khả dĩ dược đa số chấp thuận: Lạ thì có nhưng đẹp thì chưa chắc. Nói như nhà bình thơ Phạm Đức Nhì:
Những nhà thơ siêu thực – bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu, thử nghiệm, nhằm loại bỏ lý trí (để tìm lời thật) trong thơ – cũng chỉ thành công phần nào về mặt hình thức. Họ tuy tạo được những vần thơ “phi logic”, có “những va đập chói lòa của từ ngữ” (J. Vaché), có khả năng ngăn cản lý trí của người đọc bước vào bài thơ, nhưng đồng thời cũng chặt luôn cây cầu giao cảm giữa tác giả và độc giả”

thanhtamtuyen

Thanh Tâm Tuyền

3. Về trường hợp Thanh Tâm Tuyền

Trong phần trích đoạn Thụy Khuê trên, có nhắc đến thi sĩ Thanh Tâm Tuyền thuộc nhóm Sáng Tạo thập niên 50, tôi xin dẫn ra đây các trích đoạn trong bài viết của Đặng Tiến và Lê Hữu Khóa:

            a. Đặng Tiến viết về Thanh Tâm Tuyền:

Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra «diễn ca», còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.

Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố
«Tôi không còn cô độc» là tên một bài thơ dưới dạng hợp xướng hiện đại, với nhiều giọng hát, và có giọng thi sĩ:

Tôi đã chết nghẹn ngào
ôm tình yêu tự do chật ngực
tôi chết và chối từ
đừng ai gọi tôi là thi sĩ
(…)
Hôm nay tôi dự hội
hôm nay dùng mắt nhìn
hôm nay dùng lời dịu
cô độc phút tan tành
tôi không còn cô độc

Ông già: tôi không còn cô độc
Hợp xướng: tôi không còn cô độc
Em gái: tôi không còn cô độc
Hợp xướng: không ai còn cô độc
không ai còn cô độc

Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ “ở đâu xa cũng trở về” với những thể thơ truyền thống. (Đặng Tiến)

  b. Lê Hữu Khóa phỏng vấn Thanh Tâm Tuyền:

Lời của Thanh Tâm Tuyền:

— Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire.
— Tuy nhiên, trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy, người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm, ngồi, khi tỉnh thức… Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định đời sống của chính nó.
— Thơ thường kín đáo, đôi khi nó đi vào bằng cửa chính, đôi khi bằng con đường nhỏ, bạn lắng nghe và chú ý. Thơ chuộng sự ẩn mặt/ se masquer, che dấu/ se voiler, do đó nếu trí nhớ bạn không tỉnh thức, bạn sẽ không thể nhận diện nó.
— Trong lúc bạn “lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa rừng rậm… Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh. Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang tích luỹ/ stocke.(Trích phỏng vấn Thanh Tâm Tuyền của Lê Hữu Khóa)

@. Ý kiến riêng tôi

Tôi chú ý 2 điều này:
– Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ “ở đâu xa cũng trở về” với những thể thơ truyền thống. (Đặng Tiến)
– Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire (Thanh Tâm Tuyền)
Sau khi ra khỏi “tù”, sang Mỹ sống, hình như ông không có làm bài thơ nào gọi là “hiện đại” nữa.
Theo tôi, chính những dòng thơ truyền thống nầy mới diễn tả đúng cảm xúc thật của tâm hồn, diễn tả đúng hồn thơ mà ông luận bàn trên.

II. Thơ Tân Hình Thức

Xin được ghi ra đây ý kiến của anh Lê Nghị mà tôi đồng thuận (Tổng hợp và cô động lại có sự đồng ý của tác giả)
[… Ngữ pháp (văn phạm) tiếng Việt đòi hỏi khi ngắt câu bằng dấu phẩy hoặc dấu chấm không được chia ra từ kép, và dù bắng dấu phấy hay dấu chấm thì câu đó phải tròn nghĩa. Các liên từ phải đúng vị trí câu , cho dù là câu thơ hay câu văn.
Dạo qua các bài thơ Tân Hình Thức thì các khổ thơ vẫn bó buộc 5, 7, 8 chữ hay nhiều hơn, đa phần một khổ 4 dòng, và một khổ là một câu dài. Cũng có khi là hai ba câu ngắn đi liền mà không hề một dấu chấm, phẩy? Tại sao lại không viết luôn câu mà lại xuống dòng? Phải chăng chỉ cố tình tạo một vẻ đẹp in ấn bên ngoài? Cố tình tạo hình thức khác lạ so với truyền thống?
Xét về tổng thể, các câu trong khổ thơ trái với ngữ pháp tiếng Việt.!? Sự thực nó là những câu văn đã định trước : 20 , 24, 28, 32 chữ… Cứ chia đều ra xuống hàng khi đếm đủ chữ, thế là thơ!
Chính vì vậy nó luôn chặn lại dòng cảm xúc, vì người đọc phải dừng lại xem xét chữ này có liên quan gì đến dòng trên và ăn nhập gì với dòng dưới. Trong một thời đại nhịp sống hối hả, con người phải tất bật với công việc, ai hơi đâu mà ngồi suy nghĩ đến chuyện không đáng? May chăng chỉ dành cho các vị hàn lâm rỗi việc.
Đã qua rồi cái thời tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh. Nghệ thuật nào cũng nằm trong nhân sinh cả. Vấn đề là có được nhân sinh chấp nhận không. Thiết nghĩ trong thời đại ngày nay rất ít người có thời gian để nghiền ngẫm những câu văn xem ta phải chấm chổ nào, phải phẩy chổ nào đễ cho nó dễ hiểu. Mất hứng thú!
Cho nên với hình thức dễ dãi trên – không chấm phẩy, xuống dòng tùy tiện – lại càng không phù hợp với thời đại, vô hình trung nó khiến thêm phức tạp, bực mình. Nó có thể phù hợp với một loại ngôn ngữ nào đó, nhưng không phù hợp với tiếng Việt.
Suy cho cùng thì Tân hình thức không ra ngoài phạm trù thơ tự do. Người đọc có cảm giác là thơ Tân hình thức tự định ra một số lề luật tự trói buộc mình, để được gọi là khác lạ!

Mời đọc 1 bài thơ Tân Hình Thức:

Mẹ già đã già ngồi
còng lưng bên gánh hàng
rong nơi góc phố bụi
mờ những bước chân qua
mẹ chờ gì và mẹ
chờ ai không mẹ không
chờ gì và mẹ không
chờ ai ngòai nỗi buồn
canh cánh từ thuở khai
sinh mẹ còn gì và
mẹ còn ai không mẹ
không còn gì mẹ không
còn ai ngòai lũ con
đứa lang bạt kỳ hồ
đầu đường xó chợ đứa
….
(MẸ KHỔ – Khế Iêm) [3]

Làm thơ Tân hình thức như trên trang các bạn hiện nay quá dễ, so với việc chọn một câu ngắn mà phải có vần có nhịp. Các nhà thơ được trọng vọng là chọn lọc từ ngữ đắc dụng, đắc vị, theo thanh theo nhịp khiến trái tim người đọc tự nhiên run động. Thơ có vần hay không, chẳng quan trọng, quan trọng là nó mang tính nhạc, vì thơ về hình thức là ca từ của một loại nhạc. Đó là đặc điểm chính của thơ, là cái mà ta mong đến. Theo như cách thể hiện thơ gọi là Tân Hình Thức hiện nay, các bạn khuyến khích mọi người làm thơ: Tốt. Nhưng đồng thời các bạn đang làm giảm giá trị danh hiệu thi sĩ, thi nhân. Nhưng tai hại nhất là phá vỡ cấu trúc câu tiếng Việt một cách vô tình.
Tôi thử làm dạng tân hình thức 5 chữ:
Hôm qua em nói lấp
lửng em có thể lấy
chồng anh liệu anh còn
nhớ người thuở yêu xưa.

Tôi trau chuốt lại:

Hôm qua em lấp lững
Ngày mai em theo chồng
Có bao giờ anh nhớ
Một người thuở xưa không

Hoặc ngắn gọn hơn:

Hôm qua em nói ởm ờ
Em theo nhà họ , thẩn thờ không anh
Theo bạn, trong 3 khổ thơ bạn thích khổ thơ nào, nếu bạn nói rằng bạn thích khổ đầu hơn thì tôi đành xem bài này là lần cuối cùng góp ý cho trang các bạn vậy.
Hoặc tôi thử làm Tân hình thức 7 chữ:

Buổi chiều nay tôi ngắm giọt cà
phê rơi rơi như nỗi buồn nhỏ
giọt xuống hồn tôi khi nghe đồng
hồ gõ tích tắc trên dòng thời

Gian vô cùng tận của đất và
trời ơi giọt cà phê rơi tí
tách trong cái tách tròn thuỷ
tinh tình buồn nhỏ giọt xuống số

phận một đời người buồn thỉu buồn
thiu giống bài thơ không điệu không
vần không nhịp cầu cho ai ngon
giấc quên những vần thơ xót xa….

Tôi trau chuốt lại:

Bên tách cà phê từng giọt nhỏ
Rớt xuống hồn tôi những giọt buồn
Đồng hồ tích tắc trên tường gõ
Ngỡ chân mình dần đến hoàng hôn

Đất trời vô tận tôi là mấy
Buồn thỉu buồn thiu một kiếp đời
Như một bài thơ không vần điệu
Nghe nhàm nên muốn ngủ mà thôi.

Tôi không là thi sĩ, nhưng rõ ràng mỗi lần ngắt câu là nghĩa phải tròn. Đấy là tôi nói mấy câu vần vè của tôi. Bây giờ ta hãy xem một bài thơ viết khoảng 1925, bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác:
……….
Chí không thành, danh chẳng đạt
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi
Ai người tri kỉ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu
Rót về phương đông nước chảy xiết sinh cuồng lạn
Rót về phương tây mưa tây sơn từng trận chứa chan
Rót về phương Bắc đá chạy cát tuôn
Rót về phương Nam có một người say uống như điên như cuồng.
…..
Bài thơ có câu dài ngắn nhưng cụ Nguyễn đôi khi giữ lại vần. Đó không phải là Tân Hình Thức sao?

Triệt để tự do hơn nữa là ca từ của bài hát nổi tiếng “L’Adieu” Bùi Giáng dịch từ thơ Guillaume Apollinaire, Phạm Duy phổ nhạc:

Ta ngắt đi
Một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho
Mùa thu đã chết rồi
Mùa thu đã chết, em nhớ cho
Mùa thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
…….

Cả một bài thơ, câu dài ngắn không đều, không một vần nào ăn nhau, là một điển hình toàn diện của thơ tự do. Nhưng quan trọng là khi ngắt câu bao giờ cũng tròn ý. Đó là đặc điểm của tiếng Việt. Ngôn ngữ đa âm cần trọng âm, trong ca từ đôi lúc họ tách ra, nhưng tiếng Việt không bao giờ cho phép nói ngắt câu kiểu nói vui:
Chị em hồ hởi đánh cầu
Lông bay vùn vụt qua đầu anh em.
Đồng thời trong lúc viết, ta dạy con em ta chính tả, không bao giờ cho phép viết: “hôm nay bọn mình đi đánh cầu, lông nhé các bạn “, chứ nói chi cho phép xuống hàng.
Tân Hình Thức các bạn đã cố tình hoặc làm ngơ một hình thức làm suy thoái tiếng Việt là vì vậy… ] [Thơ Tân Hình Thức: Thất Vọng Và Kỳ Vọng – Lê Nghị][2]

Marc Chagall (1887-1985)

tranh Marc Chgall

III. Cách Tân Hình Thức Từ Thơ Lục Bát

Theo riêng tôi, các loại hình thơ sau đây cũng có thể gọi là Tân Hình Thức thuần Việt

  1. Xin giới thiệu vài bài thơ 3 câu, thể 6/8/6 của Trần Phù Thế.

chữ tình

nghĩa đau thương
hiểu tận cùng lẽ vô thường tử sinh
em ơi
thấy bóng chẳng hình
(thấy bóng chẳng hình – Trần Phù Thế)

khóc
tuổi thơ
khóc
kiếp người
từ đâu tiếng khóc gọi mời nỗi đau?
khóc là cười chẳng được sao?
(khóc cười – Trần Phù Thế)
nhớ quay quắt
nhớ lạ lùng
nhớ em đến nỗi trí cùn óc khô
nhớ em
chết
cũng đội mồ
(nhớ – Trần Phù Thế)

Ta cũng có thể kết hợp lại thành 6 câu: 6/8/6-6/8/6 và vân vân…

2. Xin giới thiệu vài bài thơ thể 6/6/8 của Khê Kinh Kha

hình như, gió lộng, qua cành
hình như, ai đến, trong đêm
rượu cay, trăng sáng, bập bềnh, rượu cay

à ơi, thế sự cũng say
à ơi, mất ai, còn ai
một người ở lại, như mây lạc đường
(như mây lạc đường – Khê Kinh Kha)

Chờ ai mấy thuở mưa rơi,
Chờ ai mây cũng xa trôi,
chờ thiên thu hỡi, chờ người tình mơ

chờ ai, tình mãi say mê
Chờ nhau, chờ hết lòng mơ,
chờ bao lâu nữa cho vừa lòng nhau?
(chờ tình – Khê Kinh Kha)

– Đây không phải là Tân Hình Thức sao?
Giữa thơ của Khê Kinh Kha và Trần Phù Thế, ta nhận xét có sự liên hệ như đã nói ở phần kết hợp trên.

Phần 2

VÀI Ý NGHĨ SƠ SÀI

Đây là phần tiếp nối theo bài viết “Vài Khái Niệm Về Việc Dùng Chữ Trong Thơ” đã công bố.

THỦ ĐẮC THƠ VÀ CĂN BẢN TRIẾT LÝ

Trong bài ” Vài Khái Niệm Về Việc Dùng Chữ Trong Thơ” [4] tôi có nêu ra ý riêng:
” Là thơ Việt, người làm thơ / thưởng lãm thơ phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ ”
Tôi xin giải thích rõ thêm điều này:

1. Thí dụ như khi làm ra câu thơ hoặc thưởng thức câu thơ này

Làm sao tắm lại dòng sông ấy?
(Tự chế để minh họa)

Ta nhớ đến triết lý “thời gian bất phục hồi” của tiền nhân: Thời gian trôi qua là qua luôn, không bao giờ trở lại. Khiến ta nhớ đến câu:
— “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. (Heraclitus)
— Hoặc các câu trong bài thơ Tương tiến tửu. Nói về sự biến đổi của thời gian, Lý Bạch đời Đường thảng thốt, ngậm ngùi than thở:

Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Hựu bất kiến:
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Dịch nghĩa

(Nào nâng ly)
Anh không thấy:
nước sông Hòang từ trời rơi xuống,
chảy tuôn ra biển có quay về?
Lại chẳng biết!
đứng trước gương, thương thay tóc bạc
sáng đang xanh, chiều xác xơ phai!

2. Thí dụ như khi thưởng thức các câu thơ “Tháng sáu trời mưa” – Nguyên Sa:

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận …

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Ta nên nhớ lại hai câu thơ của tiền nhân:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
(Đàm Thận Huy/ Nguyễn Giản Thanh)

Dịch nghĩa :

Gió mưa không có then khóa mà giữ được khách.
Nhan sắc không phải sóng lớn mà dìm chết người.

Khổ 1 của bài thơ Nguyên Sa trên là từ câu: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”.
Khổ 2 của bài thơ Nguyên Sa trên là từ câu: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

3. Thí dụ như khi thưởng thức câu thơ này:

Xuân thu vèo bóng song ngoài [1]
Để người ở lại tóc đời điểm sương
Nâng ly đắng khúc hồ trường [2]
Nhớ câu đoạn thuỷ càng vương nỗi sầu! [3]
Tình về đâu? Sắc bền lâu?[4]
Nhân sinh. Vân cẩu. Khóc câu “phục hồi”! [5]
(Tự chế để minh họa)

a. Ta phải nhớ đến thơ của tiền nhân:

– [1] Xuân thu có nghĩa là thời gian. “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích”- Trang Tử: Người ta ở trong trời đất như ngựa giỏi chạy qua khe hở (ý nói ngày giờ qua mau).
– [2] Hồ trường – Nguyễn Bá Trác: Đất trời mang mang ai người tri kỷ?/ Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
– [3] “đoạn thuỷ ” : Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu. Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu – Lý Bạch (Rút dao chém nước, nước vẫn chảy. Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu)
– [4] Sắc là nhan sắc: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị nịch nhân” – Đàm Thận Huy/ Nguyễn Giản Thanh
– [5] “Vân cẩu”: Chỉ sự thay đổi mau chóng ở đời, sự vô thường: Do hai câu thơ của Đỗ Phủ đời Đường: Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu ( Trên trời có đám mây nổi trông như cái áo trắng, phút chốc bỗng biến thành con chó xanh ). Cung oán ngâm khúc : “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.
“Phục hồi”: Quân bất kiến Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi! (Tương Tiến Tửu – Lý Bạch). Khóc câu “phục hồi”: Không thể nào trở lại – bất phục hồi.

b. Sẵn đây, xin được ghi lại những vài ý của tôi về câu cuối (khổ cuối) của các bài thơ:

[ Người ta hỏi một thi sĩ Nhật nổi danh rằng làm thế nào viết được một bài thơ tứ tuyệt hay của Trung Hoa. Thi sĩ giảng giải: Câu đầu chứa phần khởi nhập; câu hai là phần chuyển tiếp của câu đầu; câu ba chuyển từ đề mục và bắt đầu một ý mới; và câu bốn gồm ba câu trước hợp lại với nhau. (thiền sư Muju)
Ta có thể nới rộng ra, nói về thơ nhiều khổ: Khổ cuối cùng bao gồm các khổ trước hợp lại với nhau. Các khổ đầu là nước trên mặt phễu, vào miệng phễu và thân phễu, rồi thoát ra với độ xoắn tâm tư ở khổ cuối cùng.
Nét độc của bài THƠ HAY là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải làm cách nào để đến câu cuối (khổ cuối) điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra; gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại được những đoán định, thì sức lay động sẽ càng mãnh liệt. Vì thế, câu cuối (khổ cuối) thường gánh vác nhiệm vụ thể hiện chủ đề của bài thơ. Những câu đầu (khổ đầu) dù nói nhiều điều, tả nhiều thứ vẫn chỉ là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu cuối…] [Thơ Hay Tứ Tuyệt – Nguyên Lạc]

Câu cuối ở bài thơ minh họa trên xem như tổng hợp các câu thơ bên trên nó: “Nhân sinh. Vân cẩu. Khóc câu ‘phục hồi’ ” = Đời người (nhân sinh) luôn biến đổi – vô thường (vân cẩu), thời gian vô tình xuôi trôi, người không thể nào trở về thời quá khứ (bất phục hồi – khóc “phục hồi) để tìm lại tuổi xuân, tim lại tình sắc.

VỊ TRÍ VÀ SỰ LIÊN HỆ TRƯỚC SAU CỦA CHỮ DÙNG TRONG THƠ

Xin đưa ra thêm một thí dụ để minh họa về cách dùng chữ trong thơ: Về ý nghĩa, vị trí cùng sự liên hệ trước sau của nó.

1. Hãy xét câu thơ :

Kính ngoài
Tuyết trắng trổ bông
Tôi trong
Thinh lặng
Thấy. hồn vỡ theo!
̣(Trong quán càphê đêm tuyết đổ – Tự chế để minh họa)

Chữ “Thấy” cần được bàn luận:
Chắc có lẽ bạn nghĩ ngay vị trí chữ này, dùng chữ “Nghe” đúng hơn, vì sau nó là chủ “vỡ”. Vỡ phải phát ra tiếng nên bắt buộc phải dùng chữ “nghe” mới chính xác: “Nghe hồn vỡ theo!”
Trước khi trả lời, tôi xin dược nhắc lại những ý này:

— Theo Nguyễn Anh Khiêm (Ký Ức Sơ Sài) thì tiến trình ngôn ngữ như sau: Đủ chữ/ đủ ý: Thoại –> đủ chữ/ nhiều ý: Văn –> ít chữ/ nhiều ý: Thơ. Do vậy trong thơ càng ít chữ mà càng nhiều nghĩa thì thơ càng hay
— Trong văn, văn phạm phải rõ ràng và chữ thường có một nghĩa chính xác. Ngược lại trong thơ, sự chính xác văn pham đôi khi không cần thiết lắm; chữ càng nhiều nghĩa càng tốt, để người đọc suy đoán theo trãi nghiệm riêng mình. Thơ phải mở ra để độc giả dự phần vào – thơ mở – thì mới hay.
— Thơ khác hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác về âm vận, tiết điệu. Cũng thời bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ nầy, bớt chữ kia, cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi lời phải xôn xao, nhảy múa, linh động.

(Vài Khái Niệm Về Việc Dùng Chữ Trong Thơ): [4]

Giờ tôi xin trả lời:
– Trong thơ, như ý trên, một chữ có rất nhiều nghĩa; Chữ “thấy” có thể bao gồm luôn “nghe”, chúng hòa tan nhau thành một.
– Nếu chỉ một mình câu: “Thấy. hồn vỡ theo” đứng riêng một mình thì ta dùng chữ “Nghe” chính xác hơn chữ “Thấy” – theo nghĩa vật lý, hiện tượng – vì có tiếng “vỡ” phát ra âm thanh. Tuy nhiên câu nay liên hệ hữu cơ với câu trên, nhất là hai chữ: “Trong” và “ngoài”.
Trong quán càphê buồn, nhìn ra ngoài “thấy” tuyết đồ, bông tuyết rơi vỡ trên mặt đường, trên lá khô, trên cành cây. Tiếng vỡ của bông tuyết phía trong quán ta không thể nghe được, nhưng nhờ “thấy” lá trĩu, cành cong oằn ta mới “nghe” tiếng vỡ. Có nghĩa là trong chữ “thấy” này (̣nhin ra ngoài) có bao gồm luôn chữ “nghe”. Từ nỗi niềm nầy, người ngồi trong quán mới nhìn vào “bên trong” mình, “thấy” (hoặc “nghe”) hồn vỡ theo.
Vậy là có 2 chữ “thấy”: Sau chữ “thấy” nhìn ra bên ngoài qua ô kính, còn có chữ “thấy” thứ 2 (hoặc chữ “nghe”) nằm kê ̀- thấy ngoài rồi thấy trong.
– Chữ “thấy” thứ 2: Nếu muốn diễn tả tâm trạng bên trong nhìn thấy bông tuyết rơi vỡ giống như đã nhìn ngoài
– Chữ “nghe”: Nếu bỏ giai đoạn nhìn tuyết rơi ngoài, đi vào thẳng vào nỗi niềm tan vỡ bên trong.
Để câu thơ gọn và mời đọc giả dự phần, ta phải ẩn một trong 2 chữ này, và chữ được ẩn bắt buộc phải là chữ “nghe” (nếu dùng chữ thứ 2 là “nghe”)
Giải thích:
— Vì nếu muốn nói: “Nghe hồn vỡ theo!” thì cần phải có điều kiện đưa đến nỗi niềm nầy: Đó là nhìn “thấy” bông tuyết rơi và tan vỡ bên ngoài kính quán càphê. Lại nữa, ta đâu thế nào “nghe” bông tuyết vỡ khi ngồi bên trong quán như đã nói trên; và trong chữ “thấy” cũng có bao gồm chữ “nghe” như đã giải thích. Tóm lại, dùng chữ “thấy” là “đắc địa” nhất, vì nhiều nghĩa.

2. Cũng những nhận xét trên, hãy xét 2 câu thơ:

Người đã đến đã đi như sương khói
Nghe trong hồn sóng động vỡ bờ tôi!
̣(Tự chế để minh họa)

Ngay vị trí chữ “Nghe” ở câu 2, ta cũng có thể dùng chữ “Thấy” như đã bàn ở trên; tuy nhiên, ở đây chữ “Nghe” đạt hơn vì không cần “nhìn” ra ngoài, chỉ “nhìn” vào trong và sau là “động vỡ”-phát âm thanh. Trong chữ “nghe” này cũng hàm ẩn “thấy” – sóng.

Nguyên Lạc
………………..
[1] Trí thức – Nguyễn Đình Đăng
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=14178
[2] Thơ Tân Hình Thức: Thất Vọng Và Kỳ Vọng – Lê Nghị
https://nguyenlac.blog/2019/03/27/tho-tan-hinh-thuc-that-vong-va-ky-vong-le-nghi-2/?fbclid=IwAR19_q8IZJEUzgFIcyRerdettmhEeveXate-sZeKkbXlZ2AELtqBOyE0LgE
[3] Xâu Chuỗi Thơ – Chiếc Bóng Bên Kia – Khế Iêm

TUẦN THƠ 47: XÂU CHUỖI THƠ: CHIẾC BÓNG BÊN KIA


(4) (Vài Khái Niệm Về Việc Dùng Chữ Trong Thơ – Nguyên Lạc
http://t-van.net/?p=38655

Đăng bởi nguyenlacthovan

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi (Nguyễn Du)