Nguyên Lạc  Tạp ghi

Redsvn-DQD-body-painting-II-20

tranh Body Painting – Dương Quốc Định

Cẩn báo:
— Chuyện cấm trẻ em. Các Cụ đạo cao đức trọng xin đừng xem.
— Đây chỉ là những góp nhặt mà tôi đã túm được từ nhân gian, sách vở, chiên xào lại , thêm mắm, thêm muối, rồi biến nó thành một món “không giống ai”, với chủ ý đóng góp vài nụ cười cho cuộc đời hình như không vui gì lắm, văn chương thi phú thì không dám! Có gì sai sót mong các bậc cao minh bỏ quá cho.
— Bạn! hãy cẩn trọng với những người quá nghiêm nghị, không cười. Mẹ, những người thương ta, thường cười với ta! Lenin, Stalin, Hitler, Mao nghiêm nghị, không cười: triệu triệu người vong mạng!
Laughter is the best medicine in the world. So keep Smiling! (Nụ cười là liều thuốc vạn năng, hăy luôn mỉm cười!)

***

Dẫn nhập:
Bài trước, LOẠN BÚT VỀ CHỮ TÌNH (1), Nguyên Lạc tôi “loạn” về chữ Tình thông qua thơ văn của các thi nhân Well-known hiện đại, nay tôi xin phép được vòng qua các giai thoại của các cụ xưa. Có gì thất thố xin quí vị tha lỗi cho.

CHI CHI VỚI TÌNH

Chữ tình là chữ chi chi,
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.
Sầu ai lấp cả vòm trời,
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung?
(Nguyễn Công Trứ)

Trước khi đi vào giai thoại của các cụ xưa, xem các Ngài “lụy” Tình như thế nào, xin các bạn cho phép Nguyên Lạc giới thiệu ông thần sư phụ của tui, Thi sĩ Lê Mai Lĩnh “phán” vài lời về Tình.
– Dạ kính bẩm sư phụ, xin dâng Ngài một ly XO, rồi mời ngài cho vài “lời vàng tiếng ngọc” ạ!
– Hảo a, hảo a! nhà ngươi muốn nghe chi?
– Dạ, về cái Tình í mà.
– À há, này lắng nghe!

Ta ướp Trăng với trái tim si
Rượu được cất giữa bếp tình nóng bỏng
Nàng thơ ơi, hãy nhấp chén rượu tình.
Hãy nhấp chén rượu tình, Trăng ơi ta muốn chết
Trong mắt, môi và giữa địa đàng Trăng
Ta muốn chết dưới Trăng vàng, giếng ngọt
Cỏ biếc , suối, khe, ta bất xá, gục đầu.
(Lê Mai Lĩnh : Thơ Của Thời Trăng Mật)

Và đây, hãy nghe ta chỉ bảo thêm!

Cảm ơn em,
Người đàn bà ngủ muộn.
Nhờ em, anh chàng còn muốn gõ mõ, tụng kinh
Gõ mõ thì mỏi tay
Tụng kinh thì mỏi miệng
Anh sẽ vì em
Miệng, tay dùng vào việc khác.
Cảm ơn em,
Người đàn bà ngủ muộn
Nhờ em, anh đứng, quỳ, nằm, bò đúng đội hình hành quân
Như thời tân binh
Trong quân trường Thủ Đức.
Cũng tại em, do em và bởi vì em
Anh hít đất không thua gì thời bị huynh trưởng phạt
Khi ra nhà thăm nuôi mà không đi những bước khoan thai.
(Người Đàn Bà Ngủ Muộn -2 – Lê Mai Lĩnh)

Đủ chưa? Thôi bai (bye) ngươi, ta đi gõ mõ, tụng kinh, rồi “bò đội hình hành quân”
– Bái phục, bái phục! Công lực của sự phụ ăn đứt ông thần Du My Du My rồi. Ngài kia chưa gì đã vội quy hàng, rồi luyện Tịch Tà Kiểm Phổ! (Xin xem lại bài 1).

Hồn em lởn vởn chơi vơi
Vẫn còn lảng vảng bên đời cùng ta
Ta muốn thoát khỏi yêu ma
Đành luyện “Kiếm phổ Tịch Tà” . Than ôi! (1)
(Tự Tuyệt Tình Ca – Du My Du My)

Nhưng mà không sao, sau đó ổng “giác ngộ cách mạng” vẫn tiếp tục “ngựa phi đường xa”. Nhờ đó, ta vẫn được thưởng thức thêm nhiều bài thơ “trong sáng đầy ấn tượng” nữa. May mắn thay!
Này nhé:

Ta trèo lên ngọn Núi Đôi
Sức tàn lực tận nên rơi xuống triền
Em cười , ta cũng đảo điên
Bởi thèm leo núi đỡ ghiền vậy thôi .
Lại bò lên ngọn Núi Đôi
Lên đến được đỉnh ta ngồi làm thơ
Nhìn em đôi mắt lờ đờ
Ta ngồi nghĩ mệt , đợi chờ hạ san
Khi vui dạo khúc tình tang
Chín thành công lực bò càng theo em .
(Núi Đôi- Du My Du My)
Ổng còn hứa dẫn tui đi bắt sò bắt hến.
Đầu xuân ra biển bắt sò
Lấm la lấm lắt
Lò cò theo em
Sò nào thì cũng : same same
Mà sao anh lại đi thèm sò tươi
Sò em nuôi
Cũng tuyệt vời
Sao anh lại muốn đi xơi sò ngoài
Đề phòng
Trúng độc cho coi
Tàn đời về lại đi moi sò nhà
(Đầu Xuân Ra Biển Bắt Sò – Du My Du My)

— Dạ muôn vàng cảm tạ hai Ngài, giờ đây tui xin mạn phép rút lui, đi tìm các cụ xưa.

NHÂN DIỆN ĐÀO HOA

Bây giờ chúng ta tìm đến các cụ xưa, xem các cụ “lụy Tình” như thế nào
Bài trước, Nguyên Lạc tui có dẫn chứng chuyện Eva và Adam nhờ rượu (trái chín lên men) mà hai người mới có Tình với nhau, và từ đó mới có loài người. Vậy nhờ rượu mà Tình mới xuất hiện.

Chén tình là chén say sưa,
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu.
Lược tình em chải trên đầu,
Gương tình soi mặt làu làu sáng trong. (ca dao)

Nhờ rượu ta mới “phê”, mới cười (và khóc nữa) thoải mái. Mới dễ làm ta hứng chí đi tìm đến cái Tình , tìm đến “Động Hoa Vàng” , xâm nhập “Động Đào”, thọt lét Thần Bà (Thần Tình Yêu : Venus ) khúc khích hân hoan.
Rượu ngon nhất có lẽ là khi uống cùng với người tình, người mình trìu mến . Khi đó, ta có thể để rượu làm mình say.
“Rượu vang được rót ra ly, óng ả như màu hồng ngọc và thơm ngát mùi nho chín lên men. Bạn cụng ly với nàng, rồi trìu mến nhìn những ngón tay thon nhỏ của nàng cầm ly rượu đong đưa trước mặt. Bạn sẽ thấy nàng đẹp hẳn lên, cặp mắt nàng như lóng lánh tình tứ hơn, đôi môi nàng chín mọng hơn, và gò má nàng, phản ánh màu rượu đỏ, dường như cũng hồng hơn. Bạn sẽ nhận ra câu thơ Thôi Hộ là hay tuyệt: “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”. (Lê Văn)

Thơ rằng:

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong*.
(Thôi Hộ)

Dịch nghĩa
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.
(Tản Đà)
*Đông phong: Gió từ phương đông thổi tới, nghĩa là gió đại dương, một làn gió mang hơi mát. Với người Hoa, đó là gió mùa xuân.(Laiquangnam Lai)

Chuyện rằng:

Thôi Hộ, nhân tiết thanh minh, một mình đi chơi về phía nam Đô thành. Thấy một ấp trại chung quanh đầy hoa đào, Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống. Một người con gái mở cổng, hỏi tên họ, rồi bưng nước đến dâng chàng . Người con gái sắc đẹp đậm đà, duyên dáng. Đôi mắt nhìn nhau, lòng đầy tình ý.
Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, Thôi Hộ trở lại tìm người cũ, thấy cửa đóng then cài, mới đề lên cánh cửa bên trái bài thơ trên, rồi bỏ đi. Người con gái xem bài thơ, nhớ thương rồi bệnh sắp chết. Thôi Hộ chợt trở lại ấp trại hoa đào, nghe tiếng kêu than bèn chạy vào, vội ôm nàng mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh, rồi sống lại. Ông bố bèn đem cô gái gả cho Thôi Hộ”.
Cũng từ điển tích này, người ta thường ví mặt người con gái đẹp với hoa đào.(Tình sử- Phùng Mộng Long)

TÌNH CỦA CÁC TIỀN NHÂN VIỆT NAM

Rượu càng ủ lâu càng nồng , tình càng thấm sâu càng say đắm! Rượu là thứ để say, nhưng hãy say thật ngọt ngào. Tình là thứ để “điên” nhưng hãy điên thật nồng nàn sâu lắng!
Có hai điều bạn chẳng bao giờ giấu được trong đời: Say rượu và đang yêu. Má bạn hồng, hơi thở mê loạn, tim bạn đập nhanh và tay bạn nóng.
Nếu muốn say, hãy chọn nơi bình yên uống rượu, đừng ồn ào. Nếu muốn yêu, hãy chọn người đáng để trao tình, đừng tiếc nối. Ôi Rượu,Tình!

” Thưởng hoa nên ngồi với giai nhân, uống rượu ngắm trăng nên ngồi với người phong vận, thưởng tuyết nên ngồi với người cao nhã. “
” Rượu cũng tốt nhưng chớ để say sưa mà gây gổ; sắc cũng tốt nhưng chớ để vì si mê mà làm tổn hại đời sống; tiền cũng tốt nhưng chớ để vì tham lam làm mờ lương tâm; nóng giận cũng được nhưng chớ để vì không kìm chế mà vượt qua chữ lý ”

(U mộng ảnh -Trương Trào)

Sau đây mời các bạn thưởng lãm những chuyện tình nổi tiếng thời Cận Sử nước ta:

Chuyện Tình của Phạm Thái và Trương Huỳnh Như

Phạm Thái (1777-1813) Ông người xã Yên Thượng, huyện Đông Ngàn, nay phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Thân phụ trước làm quan với nhà Lê được phong tước Trạch Trung hầu, sau khi Tây Sơn dứt nhà Lê, có khởi binh chống lại bị thua. Ông định nối chí cha, đi tìm người đồng chí để lo sự khôi phục. Vì bị truy nã, ông phải trá hình đi tu ở chùa Tiêu Sơn (thuộc tỉnh Bắc Ninh), lấy hiệu là Phổ Chiêu Thiền sư. Một người bạn đồng chí là Trương Đăng Thụ làm quan ở Lạng Sơn cho người đón ông lên đấy, nhưng không được bao lâu Đăng Thụ mất, ông mới đến xã Thanh Nê (thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) là quê Đăng Thụ viếng bạn và ở đấy ít lâu. Phạm Thái được dịp biết người em gái của Đăng Thụ là Trương Quỳnh Như. Hai người thầm lén yêu nhau, làm thi văn tương tặng. Cha Quỳnh Như là Trương Đăng Quỹ biết rõ gốc gác Phạm Thái, cũng muốn gả con gái cho, nhưng bà mẹ không ưng. Bị ép lấy một người nàng không thuận, Quỳnh Như buồn bực mà chết (có sách chép là nàng tự ải). Phạm Thái từ khi công việc chống Tây Sơn thất bại lại mất người yêu, sinh ra chán đời, chỉ uống rượu li bì, tự hiệu là Chiêu Lì, đi lang thang khắp nơi, năm 37 tuổi thì mất ở Thanh Hóa. (Học Xá)(2)
Đây là trích đoạn Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái

Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá ngang tàng tính mạng.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; chua xót cũng vì đâu?
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử.

Buồn quá phải không các bạn. Ôi Tình sầu!
Thôi, bây giờ chúng ta hãy theo cái Tình của cụ Nguyễn Công Trứ xem sao?

Tình của cụ Nguyễn Công Trứ

Tau ở nhà tau tau nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói răng không đến?
Đến thì mi hỏi đến mần chi?
Mần chi tau đã mần chi được?
Mần được tau mần đã chán khi!
Mần chi, mần dzì ? Tau muốn mần “thuyền quyên ứ hự” được không?

Chuyện rằng:
Làng Cổ Đạm, gần làng Uy Viễn, là một phường Ca Trù nổi tiếng, có nhiều đào nương tài giỏi và xinh đẹp, trong số đó có nàng tên là Hiệu Thư. Nguyễn Công Trứ say mê Hiệu Thư.
Nhân vốn là một tay đàn giỏi có tiếng trong vùng, cậu Nho sinh Trứ liền tìm cách xin vào làm kép cho Hiệu Thư. Thường nàng đi hát ở đâu, chàng cũng được cắp đàn đi theo.
Một tối nọ, gánh Ca Trù Cổ Đạm được mời sang hát ở Vĩnh Yên, cách đó khá xa. Hiệu Thư được điều đi phục vụ, Nguyễn Công Trứ đi theo cùng để vừa hoạ đàn vừa đặt lời ca.
Trên đường đi, không biết vì cớ gì hai người tụt lại sau mọi người, chỉ có một đứa tiểu đồng nhỏ theo hầu. Mải mê nói chuyện, lúc đến giữa cánh đồng vắng, Nguyễn Công Trứ giả vờ sửng sốt, nói rằng mình đã bỏ quên dây đàn ở nhà, rồi nhờ chú tiểu đồng chạy về lấy hộ.
Thế rồi, trên cánh đồng chỉ còn trai tài gái sắc…Tiếng “Ứ hự” vang lên!…
Rồi nhiều năm trôi qua, Nguyễn Công Trứ đã trở thành Tham tri bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An. Một lần, nhân ngày vui, ông cho tổ chức cuộc hát xướng tại tư dinh, nhờ các quan sở tại mời các danh ca đến phục vụ. Chẳng ngờ trong số những người được mời có cả cô đào Hiệu Thư.
Khi bước ra trình diễn, ngước mắt trông lên, nhận ra quan Tổng đốc ngồi nghe hát kia chính là chàng kép Trứ ngày nào, Hiệu Thư vội cất giọng:
Giang san một gánh giữa đồng
Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng?
Nghe câu hát, Nguyễn Công Trứ giật mình, một cảm giác ngọt ngào từ đâu đó trong kí ức hiện về. Định thần nhìn kỹ lại nàng ca kĩ vừa hát lên câu đó, quan Tổng đốc chợt thảng thốt hỏi:
– Có phải… Hiệu Thư, em đó không?
Khi cuộc hát tàn, hai người ngồi lại tâm sự, nàng kể cho chàng nghe quãng đời chìm nổi, phiêu bạt của mình sau cái đêm trên cánh đồng năm ấy. Khi biết Hiệu Thư vẫn chưa có chồng, quan Tổng đốc liền quyết định cưới nàng làm thiếp.
Cụ “lên quan xuống lính” Nguyễn Công Trứ hào khí ngất trời phải không các bạn? Và đây tôi xin giới thiệu thêm vài hàng về chữ Tình của cụ:

Cái tình là cái chi chi
Dầu chi chi cũng chi chi với tình
Ða tình là dở
Ðã mắc vào đố gỡ cho ra
Khéo quấy người một cái tinh ma
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy!

Ðã gọi người nằm thiên cổ dậy
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi
Nực cười thay lúc phân kỳ
Trong chẳng nói biết bao nhiêu biệt lệ

Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ
Càng tài tình càng ngốc càng si
Cái tình là cái chi chi.
(Vịnh chữ tình)

LỜI KẾT

Sao, các bạn nghĩ sao về Tình của các cụ xưa?! Tinh mãi mãi không bao giờ cũ, vẫn là đề tài muôn đời cho nhân loại phải không?
Bài tới đây cũng dài, xin được phép tạm ngừng nơi đây, có gì thất thố xin các thi nhân bỏ qua cho! Cũng như bài 1, mong các bạn cùng cái Tình thân yêu mãi mãi dài lâu! Hãy vun xén và tưới tẩm nó, để nụ Tình nở ra đóa hoa đầy hương sắc!

Nguyên Lạc
……………………
Nguồn: Lê Văn, Laiquangnam Lai, Phạm Thành Châu, Huyền Li, Lê Mai Lĩnh, Dư Mỹ
Facebook, Wikipedia
(1) Tịch Tà kiếm phổ là môn tà kiếm trong Tiếu Ngạo Giáng Hồ (của Kim Dung) Muốn luyện, phải tự thiến mình mới luyện được, như Ngụy Quân Tử Nhạc Bất Quần
(2) (http://www.hocxa.com/VanHoc/PhamThai&TQNhu/_PThai&TQNhu_Index.php

Đăng bởi nguyenlacthovan

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi (Nguyễn Du)